TIN MỚI
Hotline : 0909 922 230  

 

Bún Song Thằn An Thái

Đến thăm Bình Định, vùng đất nổi tiếng với truyền thống thượng võ, với hồn thiêng sông núi đã hun đúc nên khí chất anh hùng bất khuất, làm nên bao sự tích oanh liệt, góp phần tô thắm vào trang sử vàng của dân tộc. Du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp của đầm Thị Nại, bán đảo Phương Mai, bãi tắm Hoàng Hậu...và thưởng thức những đặc sản, món ăn ngon đặc trưng như bún chả cá, bánh tráng nước dừa, nem chợ Huyện, rượu Bàu Đá...Tuy nhiên, có một đặc sản không thể bỏ qua nếu du khách có dịp ghé thăm Bình Định, đó là bún Song Thằn An Thái.

Cổng vào làng nghề

            An Thái được biết đến là một đô thị sầm uất cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Ngày xưa nghề thủ công ở đây rất phát triển như: rèn, đúc kim loại, mộc, giấy, bún, bánh, dệt lụa, nhuộm...và đây cũng là đầu mối giao thương của các xã trong khu vực: Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn Hưng (An Nhơn), Thuận Truyền, Bình Tân, Bình Nghi (Tây Sơn). Tuy nhiên hiện nay chỉ còn lại làng nghề bánh bún là được duy trì và phát triển. Đặc biệt An Thái còn là cái nôi võ cổ truyền Bình Định, nổi tiếng từ xưa gắn liền với các câu ca dao như “Roi Thuận Truyền, quyền An Thái” hay “Trai An Thái, gái An Vinh”.

Người dân phơi bún trên bãi cát dọc sông Kôn

            Từ Thành phố Quy Nhơn, đi ngược về hướng Bắc khoảng 30km đến Thị trấn Bình Định, đi đường Ngô Gia Tự về phía Tây Bắc khoảng 10 km, du khách sẽ đến làng nghề truyền thống An Thái với đặc sản nổi tiếng là bún Song Thằn.           

            Tương truyền, ngày xưa các vua triều Nguyễn thường triệu thợ bún An Thái ra kinh đô Huế làm, nhưng không thành công vì không có nước sông Kôn, cho nên có tên gọi là bún “sông thần”. Tuy nhiên, theo lời người dân cho biết: để làm bún, người ta cho bột đã qua xử lý vào ống có đục lỗ và ép để hình thành sợi bún chạy qua. Xưa, ống chỉ có hai lỗ nên mỗi lần có hai sợi, và được bắt thành từng đôi một nên bún có tên là Song Thằn. Hiện nay một số hộ dân tại làng nghề đã chế tạo ống thành 9 lỗ để nâng cao năng suất lao động, nhờ vậy bún làm ra nhanh và nhiều hơn trước, đạt hiệu quả kinh tế cao.

                                                                                                           

Đậu xanh sau khi xay, lắng thành bột được phơi khô

            Cách làm bún cũng rất kì công. Đậu xanh phơi nắng cho thật khô, sau đó đem ngâm nước lạnh khoảng một ngày cho nở đều rồi mới đem đi xay. Lúc xay phải cho thật nhiều nước mà đặc biệt phải là nước sông Kôn, lắng qua nhiều đợt bún mới đạt độ mềm dẻo. Khoảng 5kg đậu thì cho ra 1kg bún, do được làm từ đậu xanh nên hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với bún gạo. Một ưu điểm của bún là giữ được lâu sau khi chế biến, sợi bún dai, khi xào, nấu không bị dính vào nhau. Do vậy giá của bún cũng không hề rẻ so với các loại bún khác, hiện nay trên thị trường mỗi ký bún giá khoảng 180.000 đồng.

Bún xào với lòng gà

            Bún Song Thằn được chế biến thành rất nhiều món ngon như: ăn với nước dùng và thịt bò, nấu canh với thịt heo hoặc tôm hay xào với lươn...nhưng theo tôi ngon nhất là xào với lòng gà, ăn rất ngon, miếng bún thơm, lòng gà béo làm hài lòng bất kể những thực khách khó tính nhất. Nếu ai đã từng ghé thăm Bình Định mà không thưởng thức hoặc mua bún Song Thằn về làm quà là một thiếu sót vô cùng lớn.