TIN MỚI
Hotline : 0909 922 230  

 

Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Chỉnh lý nâng cấp phòng trưng bày gốm

Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Chỉnh lý nâng cấp phòng trưng bày gốm

Phòng Gốm trưng bày khoảng 200 hiện vật, hình ảnh, tư liệu thể hiện chủ đề “Gốm Champa và gốm Bình Định”.Về gốm Champa, giới thiệu các bộ sưu tập hiện vật từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn, từ khi vùng đất Bình Định còn thuộc châu Vijaya đến thời kỳ là kinh đô của vương quốc. Đây là bộ sưu tập hiện vật mới phát hiện, khai quật tại di tích Thành Cha năm 2015, 2016; các hiện vật khai quật, sưu tầm tại các tháp, phế tích tháp, tại các trung tâm sản xuất gốm Champa ở Bình Định như: Gò Sành, Gò Cây Me, Gò Hời, Trường Cửu; Gò Ké… gồm các loại hình gốm dân dụng, gốm vật liệu kiến trúc, gốm trang trí kiến trúc, gốm kỹ thuật trong các lò nung niên đại thế kỷ VII-XV.

Nội dung trưng bày nhằm giới thiệu những sản phẩm gốm Champa với trình độ phát triển quy mô, chất lượng, cùng với sự ảnh hưởng các nền văn hóa Ấn Độ, Phật giáo, Trung Hoa đã tạo ra những sản phẩm gốm không thua kém nước nào trong khu vực và các nước Đông Nam Á…

Với thiết kế mỹ thuật trang nhã, ánh sáng hài hòa, gian trưng bày thật sự tạo cảm giác lôi cuốn.

Trong các thế kỷ XVII, XVIII, XIX, trên đất Bình Định nở rộ hàng loạt các làng gốm như: Hữu Thành (Tuy Phước) ra đời từ thời Gia Long; Trà Quang (Phù Mỹ), Thượng Giang (Tây Sơn) ra đời từ thời Minh Mạng (1820) chuyên sản xuất gốm tráng men…Về gốm Bình Định, giới thiệu các bộ sưu tập gốm Phù Mỹ, Tây Giang, Tây Sơn gồm các loại hình: bình, vò, bát, đĩa, bình vôi, hũ, ấm chén, chậu, chóe…  Từ rất sớm vùng đất Bình Định đã hình thành những làng gốm tráng men và đất nung mang đặc trưng riêng, trong đó có sự ảnh hưởng rõ nét từ gốm Champa.

Những năm 60 của thế kỷ XX, gốm đất nung An Nhơn, Phù Cát; gốm tráng men Phù Mỹ, Tây Sơn đã có mặt khắp thị trường miền Nam. Từ các loại hình sản phẩm, chất liệu men, hoa văn trang trí và kỹ thuật chế tác trong từng sản phẩm, phòng trưng bày giới thiệu sự tài hoa, khéo léo của nghệ nhân gốm Bình Định xưa.Đầu thế kỷ XX, trong “Ghi chép về nghề làm gốm ở Bình Định” của Roland Bulteau, bài in trong tạp chí “Những người bạn xứ Huế” (“Bulletin des Amis du Vieux Hué” - B.A.V.H, 1927) đã thống kê có 17 làng trong số 688 làng ở Bình Định chuyên môn làm đồ gốm, đặc biệt 5 làng chuyên sản xuất gốm tráng men.

Một vò gốm Bình Định thế kỷ XIX với hoa văn hình rồng được tìm thấy ở lò gốm Đồng Phó, huyện Tây Sơn.

Ngoài ra, phòng Gốm còn giới thiệu sưu tập hiện vật trục vớt từ các con tàu đắm ở cửa biển Hà Ra-Phù Mỹ và đầm Thị Nại - Quy Nhơn vào những năm 2006, 2007, gồm các loại hình gốm gia dụng Trung Hoa như: bình, âu, cốc, bát, đĩa… thời Tống, thế kỷ XIII-XIV; gốm thời nhà Minh, thế kỷ XIV-XV; gốm Việt, thế kỷ XVIII-XIX cho thấy ngoài việc sản xuất tại chỗ, Bình Định còn là một điểm giao thương trong hải trình gốm sứ của các con tàu buôn các nước trên thế giới.

Việc nâng cấp trưng bày sản phẩm gốm Champa và gốm Bình Định tại Bảo tàng, tạo sự hấp dẫn về nội dung lẫn hình thức, với mong muốn Bảo tàng ngày càng chỉnh trang đáp ứng nhu cầu tham quan học tập cho mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước khi muốn tìm hiểu về vùng đất Bình Định.

RỰC RỠ GỐM CHĂM BÌNH ÐỊNH

Gốm Chăm Bình Ðịnh được trao đổi hầu hết ở các thị trường trong khu vực Ðông Nam Á và có mặt trên vùng Ai Cập xa xôi. Trong Hoàng Thành Thăng Long, ngoài sản phẩm của nhiều dòng gốm khác, giới nghiên cứu đã tìm thấy các sản phẩm gốm Bình Ðịnh, chứng tỏ đã có giao lưu, trao đổi với Ðại Việt trong lịch sử. So với đồ gốm các lò phía Bắc cùng thời, thì gốm Chăm Bình Ðịnh hoa văn trang trí khá đơn giản. Tuy nhiên, sự đơn giản này không có nghĩa là những người thợ gốm Chăm Bình Ðịnh không đủ tài hoa để thể hiện mà do ảnh hưởng từ văn hóa, tôn giáo của họ.

Khi phân tích hoa văn chạm khắc trên sản phẩm gốm Chăm Bình Ðịnh, các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ nước ngoài cho rằng, đặc điểm hoa văn chủ yếu là dạng dải cuộn trang trí theo chiều nằm ngang rất phong phú và đa dạng. Bên cạnh đó, cách trang trí trong khung khép kín cũng khá phổ biến. Trang trí khung được thể hiện ở ba dạng khác nhau: in trên thành miệng sản phẩm, kiểu khung đắp nổi thành hình chữ nhật hay hình tròn và dạng đơn giản nhất là tạo khung quanh một hoa văn. Chính phong cách trang trí kiểu hồi văn trong các công trình kiến trúc tháp là một trong những nguồn cảm hứng để người thợ gốm Chăm sáng tạo mô típ này.

(Theo ÐINH BÁ HÒA, Trang trí hoa văn trên đồ gốm Chăm Bình Ðịnh: Từ truyền thống đến hiện đại)