TIN MỚI
Hotline : 0909 922 230  

 

Đào tạo du lịch: Bỏ hết quy định làm khó doanh nghiệp, nhà trường

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành du lịch, bên cạnh việc tháo gỡ những vướng mắc, bất cập về chính sách, các doanh nghiệp (DN) phải vào cuộc thực sự, gắn kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo.


Theo báo cáo của Bộ VHTT&DL, hiện nay cơ sở đào tạo du lịch tuy nhiều nhưng chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực tại chỗ ở nhiều điểm đến. Một số ngành nghề hiện nay và dự báo trong tương lai gần sẽ cần nhiều nhân lực nhưng chưa đào tạo hoặc đào tạo với chất lượng chưa cao. Thêm vào đó, số lượng sinh viên du lịch tốt nghiệp hằng năm là khá lớn song chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, nhất là với các dự án quy mô lớn. Bên cạnh đó, báo cáo này cũng chỉ ra một số bất cập về chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, quản lý nhà nước trong đào tạo du lịch cũng như việc liên kết đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch.Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các bộ ngành liên quan, một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp và DN về đào tạo nhân lực ngành du lịch.

Cuộc họp trở nên sôi nổi khi đại diện một số cơ sở đào tạo nêu lên không ít khó khăn, vướng mắc như có quá ít cơ sở lưu trú, phục vụ du lịch trực thuộc trường; chưa có mã ngành du lịch đối với đào tạo bậc đại học và sau đại học; liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài cũng như với các DN…

Nhấn mạnh các kiến nghị, giải pháp cần hết sức cụ thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở hướng tháo gỡ những thắc mắc, đề xuất của các DN, cơ sở đào tạo cũng như yêu cầu đại diện các bộ, ngành giải đáp ngay trong cuộc họp.

Đối với đề xuất xây dựng các khách sạn, cơ sở phục vụ du lịch trực thuộc cơ sở đào tạo, Phó Thủ tướng cho rằng không vướng về quy định song điều cần lưu tâm “đừng để khách sạn, nhà hàng lèo tèo, vắng khách, chất lượng kém”.

“Ngoài ra, cũng cần thay đổi tư duy, tại sao lại cần một khách sạn thuộc trường mà không có trường thuộc DN, trường liên kết đào tạo, cung ứng nhân lực cho các DN, dự án du lịch. Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nên thiết kế những trung tâm bồi dưỡng "nghiệp vụ mềm", tận dụng cơ sở vật chất, năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo du lịch, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp tại địa phương để tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Đối với đào tạo du lịch bậc cao đẳng, trung cấp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa cho các trường này mở ngành, mở lớp đào tạo du lịch, đặc biệt là những nghề phục vụ tại khách sạn, nhà hàng đang có nhu cầu lớn như bàn, bar, buồng, bếp, lễ tân…

“Tinh thần chung tới đây là sẽ tự chủ nên cần khuyến khích các trường hợp tác với DN. Đồng thời kêu gọi, khuyến khích, tạo điều kiện cho DN tham gia sâu vào công tác đào tạo, kết hợp với các cơ sở đào tạo sẵn có hoặc thành lập mới”.

Về đào tạo đại học, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo vận dụng tương tự cơ chế đào tạo ngành công nghệ thông tin sắp ban hành để xây dựng những quy định đào tạo đặc thù cho ngành du lịch.

Cụ thể, sẽ xử lý cơ bản các vướng mắc về số lượng giảng viên cơ hữu như sử dụng những nhân sự cao cấp, nhiều kinh nghiệm của các DN để giảng dạy một số học phần; cho phép phối hợp đào tạo với DN, cơ sở đào tạo ở các địa phương khác; cho phép học chuyển tiếp, học thêm văn bằng hai đối với một số ngành nghề cụ thể; thành lập một tổ chức phối hợp đào tạo nhân lực ngành du lịch với sự tham gia của các DN, cơ sở đào tạo du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam…

Theo Chinhphu.vn